Jenny Nguyen’s Blog

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

KINH THIỆN SANH - TT. Thích Nhật Từ

A. Nguyên Nhân Ðức Phật Nói Kinh
 
Thiện Sanh là con một trưởng giả giàu có ở thành Vương Xá (còn gọi là La Duyệt Kỳ.) Theo lời trăn trối của cha, mỗi sáng Thiện Sanh ra vườn, quay mặt về sáu hướng mà làm lễ Lục Phương. Công việc hàng ngày ấy, Thiện Sanh làm như cái máy, tuyệt nhiên không hiểu ý nghĩa ra sao.
Phật nhân mang bình bát đi qua, trông thấy như vậy, bèn phương tiện chỉ dạy Thiện Sanh ý nghĩa của Lễ Lục Phương.


B. Phần Chính Của Kinh

1. Rèn Dũa Tự Thân, Trau Giồi Nhân Cách:
Mở đầu, Ðức Phật chỉ rõ 4 loại kiết sử và sáu loại hao tài mà người PHật Tử cần phải dứt trừ để trở thành con người thánh thiện.
  • Rèn dũa tự thân bằng cách dứt trừ 4 loại kiết sử:

    • Không sát sinh
    • Không trộm cướp
    • Không tà dâm
    • Không vọng ngữ

    mà nguyên nhân chính để gây ra các điều xấu ác trên là tham, sân, si, và tánh thiên vị.

  • Sáu loại hao tài:

    Con người ta sống ở đời, đa số chỉ vì danh vọng và tài sắc trong đó, sáu điều xấu ác sau đây mà kẻ vô trí cho là điều vui thích sẽ gây ra muôn vàn lầm lỗi lớn:

    • Ăn uống không điều độ sẽ gây ra hậu quả là nghèo khổ, ốm đau, tánh hèn hạ, sự dèm pha và năng lực giảm sút.
    • Ham mê ca xướng và lễ tiệc sẽ gây ra hậu quả là trụy lạc, phóng túng và ham mê dục lạc, không có năng lực cung dưỡng gia đình.
    • Ham mê cờ bạc sẽ gây ra hậu quả là nếu thắng cuộc thì là nạn nhân của sự thù oán, nếu thua cuộc thì sẽ bị bức rức dày vò và đau khổ vì tham tiếc đưa đến nhiều lầm lỗi khác; bị bạn bè, họ hàng thân thuộc khinh khi.
    • Biếng nhác, giãi đãi sẽ gây ra hậu quả là chẳng làm lợi ích gì cho mình và cho người.
    • Lang thang ngoài phố lúc về đêm sẽ gây ra hậu quả là vợ con rời bỏ, nghèo cùng khốn khổ, bị nghi ngờ ở những nơi có tiếng xấu, luôn say sưa và sinh ra sự phóng đãng trác táng.
    • Chơi thân với bạn ác hèn sẽ gây ra hậu quả là chính mình sẽ phạm phải những điều x ấu ác, sẽ bị đào thai ở trong mọi không gian và thời gian. Bạn xấu ác là những người vì lợi nhưng bất tài, nịnh hót bợ đỡ, ăn chơi phóng đãng. Bạn tốt là những người cần mẫn, thương yêu hướng về ta, thường cho ta những ý kiến hay, lời khuyên tốt, giúp đỡ ta khi cần thiết, luôn bên cạnh ta trong tinh thần lục hòa.
2. Ý Nghĩa Lễ Lục Phương hay Ðạo Xử Thế của Người Phật Tử Tại Gia:

Ðức Phật khuyên Thiện Sanh nên tiếp tục lạy Sáu Phương như lời cha y trăn trối, nhưng thổi vào việc hành lễ ấy một ý nghĩa luân lý có tác dụng giáo dục rõ ràng, như mỗi lần lạy là một lần Niệm Ân, để nhắc nhở mình cư xử thế nào cho hợp lẽ:
  • Lạy phương Ðông: là cốt để tỏ lòng hiếu kính cha mẹ.


Năm phép hiếu đạo của người con đối với cha mẹ là:

    • Luôn phụng dưỡng, cung ứng những nhu cầu cần thiết cho cha mẹ.
    • Thay thế cha mẹ những công việc khó làm.
    • Bảo vệ danh giá dòng họ, thể hiện qua đạo đức của đời sống bản thân mình.
    • Làm thế nào để xứng đáng là người thừa kế của cha mẹ sau này.
    • Thường thương kính, tưởng niệm, hồi hướng cho cha mẹ đã qua đời.


Năm phép về sự săn sóc thương mến của cha mẹ dành cho con:

    • Giữ gìn cho con không có nhiễm những thói hư tật xấu, dứt trừ các điều ác, làm các việc lành.
    • Giáo dục con cái được chu toàn.
    • Tạo dựng cho con làm ăn chánh đáng.
    • Tạo lập gia đình cho con cái một cách xứng đáng.
    • Cho con cái bàn tính, tham dự việc nhà, cùng góp công cho sự xây dựng hạnh phúc gia đình.

  • Lạy phương Tây: là cốt để tỏ lòng tri ân thầy bạn.


Năm phép về bổn phận trò thờ kính thầy:

    • Cung kính và thành thật với thầy.
    • Luôn hầu hạ và săn sóc thầy.
    • Vâng lời dạy bảo của thầy.
    • Chăm chú học hỏi những lời dạy của thầy.
    • Cầu học với thầy những điều mình chưa hiểu.


Năm phép về tình nghĩa của thầy dành cho trò:

    • Cố gắng giáo huấn tất cả những kiến thức hay.
    • Luôn chỉ dạy vun bồi sở học cho trò.
    • Thường hướng dẫn các môn khoa học và các môn khác.
    • Che chở cho trò mỗi khi gặp nguy hiểm.
    • Phải có lòng rộng rãi, mong muốn cho trò giỏi hơn mình.

  • Lạy phương Nam: là cốt để tỏ lòng kính yêu, nhường nhịn giữa vợ chồng.


Năm phép của chồng thương yêu vợ:

    • Ðối xử với vợ một cách kính mến.
    • Luôn hòa nhã, thanh cao đối với vợ.
    • Giữ gìn tín trung với vợ.
    • Giữ gìn cho người khác kính nể vợ mình.

    • Cung cấp cho vợ các thứ cần dùng.


Năm phép của vợ yêu thương chồng:

    • Trực tiếp lo dọn dẹp gọn gàng trong nhà.
    • Khoản đãi niềm nở gia đình và bạn bè của chồng.
    • Giữ tín trung với chồng.
    • Giữ gìn coi sóc thận trọng của cải trong nhà.
    • Siêng năng khéo léo làm tròn bổn phận của mình.

  • Lạy phương Bắc: là cốt để tỏ lòng mến phục lân mẫn đối với thân bằng quyến thuộc và bạn bè.


Năm phép đối với thân bằng quyến thuộc:

    • Khuyên can, răn nhắc bà con khi có người làm việc chẳng lành.
    • Hết lòng giúp đỡ về cả tinh thần lẫn vật chất khi có người bị đau ốm, tai nạn, tật yếu...
    • Không nên tiết lộ cho người khác biết về những việc kín đáo, riêng tư của bà con.
    • Không cố chấp giận hờn, mà nên hoan hỷ, thường xuyên lui tới thăm viếng.
    • Tận tình giúp đỡ bà con nghèo khổ.


Năm phép đối với bạn bè:

    • Bảo vệ, cứu vớt bạn những khi sa cơ thất thế.
    • Ðùm bọc và giúp đỡ chỗ nương náu mỗi khi bạn lâm vào tình cảnh khốn khó.
    • Không bỏ lơ bạn trong trường hợp nguy nan.
    • Tỏ ra hòa nhã và vui thích tới gia đình của bạn.
    • Tánh tình rộng rãi, khoan hồng, hòa nhã, thanh cao và luôn sống trong tinh thần bình đẳng.

  • Lạy phương Hạ: là cốt để tỏ lòng thương xót nô bộc.


Năm phép của chủ muốn khuyến khích nâng đỡ người giúp việc của mình:

    • Giao công việc thích hợp đối với thể lực của họ.
    • Cho họ đồ ăn thức uống và lương bổng thích hợp.
    • Chăm sóc chu đáo khi có bệnh tật.
    • Chia xẻ cảc mỹ vị cho họ.
    • Cho họ được nghỉ phép đúng mức.


Năm phép của người giúp việc đối với chủ:

    • Thức dậy sớm trước chủ, nghỉ ngơi sau chủ.
    • Luôn làm tròn nhiệm vụ và ý thức trách nhiệm của mình.
    • Giữ gìn tài vật của chủ, không làm vụt chạc hư hao.
    • Hết lòng kính mến chủ.
    • Giữ gìn danh dự và những điều hay cho chủ không chỉ trích nói xấu chủ với người khác.

  • Lạy phương Thượng: là cốt để tỏ lòng ngưỡng mộ Sa Môn.


Năm phép đối với bậc Ðạo Sư:

    • Phải cung kính vâng lời dạy bảo của quý Thầy, Cô.
    • Lời nói đúng đắn và thành thật đối với chư Tăng, Ni.
    • Những tư tưởng phải thanh tịnh, suy xét cho kỹ lời dạy bảo của các vị Tăng lành đức độ, rồi như pháp mà tu hành.
    • Cầu học chân thành về những bí yếu của Giáo lý mà mình chưa hiểu.
    • Cúng dường những phẩm vật cần thiết.


Năm phép của các bậc Ðạo Sư đối với Phật Tử:

    • Khuyên tránh điều dữ.
    • Khuyên làm việc lành.
    • Hết lòng thương mến, chỉ dạy cho họ con đường tu nhân tích đức.
    • Hóa giải các nghi chấp.
    • Chỉ rõ con đường dẫn tới các cõi Thánh.
III. Kết Luận

Từ phép lạy Sáu Phương của Bà La Môn, có lẽ với dụng ý cầu tài cầu lợi, Phật đã phương tiện chuyển đổi ý nghĩa thành một phép tu mà không cải đổi mảy may hình thức, khiến tục lệ khỏi phải bị xáo trộn.

Huynh trưởng chúng ta học và hành theo lời dặn của Ðức Phật qua kinh Thiện Sanh, không những để rèn dũa tự thân, trau dồi nhân cách, mà còn góp phần thuần lương hóa xã hội theo tinh thần Phật Giáo.

CẢM ƠN BẠN GHÉ THĂM BLOG. CHÚC BẠN NGÀY VUI VẺ và BÌNH AN! http://jennynguyen12.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét