Jenny Nguyen’s Blog

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

LẮNG NGHE

Ta phải hiểu được những khó khăn đang vây kín trong lòng của họ, những nguyên nhân sâu xa đã khiến họ trở nên như vậy. Ở trong tâm người kia luôn có những vùng rất kín đáo, họ chỉ cho phép người nào mà họ thương yêu nhất và tin tưởng nhất đi vào mà thôi. Có khi họ mở cửa cho ta vào, nhưng cũng có khi ta phải tự tìm lấy chiếc chìa khóa để mở cửa vào. Nếu ta không đủ quan tâm và sẵn sàng khi cánh cửa tâm hồn của họ đã hé mở, hoặc không đủ thiện chí và tài năng tìm cho được cách để mở cách cửa đó thì ta chưa phải là người biết thương yêu.
 
        Sống chung với người nào mà ta không hiểu gì họ, không thấy được những khúc mắc hay vết thương trong tâm hồn của họ thì làm sao ta có thể thiết lập đời sống hạnh phúc và hòa điệu với nhau được. Chính ta cũng vậy. Khi sống với một người rất vô tâm, họ chỉ đến bên ta khi nào họ cần thôi thì chắc chắn ta sẽ rất khổ. Điều bất hạnh lớn nhất là người mà ta thương yêu nhất lại không hiểu được ta, không thể chia xớt được những khó khăn đang đè nặng trong lòng ta. Cho nên ta hãy luôn tự đặt cho mình một câu hỏi rằng mình có thực sự hiểu được người thương của mình không?


        Đôi khi ta có cảm tưởng như là mình đã hiểu hết người kia rồi, sống với nhau chừng ấy cuộc đời thì có cái gì mà ta không biết được. Nhưng ta có thể lầm. Có những điều sâu kín mà họ chỉ có thể nói ra khi nào ta phải hết lòng muốn biết. Ta đừng bao giờ nghĩ rằng ai bảo ôm ấp trong lòng làm chi, không chịu nói ra thì ai mà biết được; hoặc là tại sao ta phải đi tìm hiểu những điều mà họ không muốn nói. Khi người đó còn khó khăn, còn đau khổ thì ta cũng không thể nào có hạnh phúc trọn vẹn được, huống chi ta là người thương yêu duy nhất của họ mà không giúp được họ thì ai sẽ giúp bấy giờ.

        Một trong những chiếc chìa khóa để mở được trái tim người kia ra đó là khả năng lắng nghe. Ta có cái khả năng đó không? Muốn lắng nghe người kia thì điều kiện đầu tiên là ta phải có mặt thật sự. Ta phải ngồi xuống trước mặt người kia bằng tất cả sự chăm chú của ta. Thân và tâm của ta cùng có mặt ở nơi đó. Ta đừng có loay hoay làm cái này cái nọ hay để cho sự lơ đễnh kéo đi mà ngồi đó như một khúc gỗ thì người kia sẽ không còn muốn nói nữa. Thái độ lắng nghe hời hợt như vậy chỉ làm cho người kia tổn thương thôi chứ không giúp ích được gì. Vì vậy khi ngồi xuống ta phải kiểm tra lại sự bình ổn trong tâm của mình, nếu thấy còn nhiều thấp thỏm hay căng thẳng như đang ngồi trên đống lửa thì xin hẹn lại buổi khác chứ đừng nên miễn cưỡng.

        Điều kiện thứ hai là ta phải có thiện chí muốn được lắng nghe. Dù ta là bậc trên trước như cha mẹ, anh chị hay thầy chủ đi nữa thì ta phải thể hiện lòng thành khẩn của mình. Thậm chí ta phải thỉnh cầu, xin người kia hãy vì ta mà nói ra những điều mà ta thực sự chưa được biết từ trước tới nay. Nếu ta không sử dụng được ngôn ngữ từ hòa khéo léo, chỉ biết dùng mệnh lệnh thôi thì chắc chắn trái tim người kia sẽ đóng bít mãi. Khi người kia không nói ra thì ta sẽ không biết mình nên làm gì hay không nên làm gì để cho họ bớt khổ. Ta sẽ không đóng trọn vai trò thương yêu.


        Điều kiện thứ ba đó là sự cởi mở. Nếu ta thực sự muốn biết người kia đang nghĩ gì, muốn gì thì trong khi lắng nghe phải bỏ xuống những thành kiến trước nay về họ hay về chính sự kiện mà họ sắp nói ra. Hãy ngồi xuống thật yên và thật sâu lắng để nghe hết những chia sẻ của người kia mà đừng vội cắt lời, phê bình cái này không đúng với sự thật cái kia không phù hợp với nguyên tắc. Khi hết lòng lắng nghe ta mới thấy rõ nguyên nhân nào đã đưa tới nhận thức sai lầm của người kia, mới thấy được ta đã từng nói gì làm gì để khiến cho người kia hiểu lầm ta như vậy và sẽ biết hành xử như thế nào trong những ngày tới để giúp người kia điều chỉnh lại nhận thức của họ.

        Điều kiện thứ tư đó là tình thương. Có khi lời nói của người kia mang đầy sự trách móc, phán xét, buộc tội nên khiến cho những hạt giống giận tức hay hờn tủi trong ta bị tưới tẩm. Khi trong tâm ta bị che lấp bởi những năng lượng tiêu cực đó thì ta sẽ đánh mất khả năng lắng nghe, cánh cửa trái tim của ta cũng sẽ khép lại. Những lúc như vậy ta nên thực tập lắng nghe hơi thở và dòng cảm xúc trong chính mình trước. Khi nhận thấy lòng tự ái của mình bị kích động thì nên nhắc nhở rằng mình đang muốn giúp người kia, đang muốn tạo cơ hội cho người kia nói lên những đau khổ đang hành hạ họ thì không nên để cho quyền lợi bản thân chen vào. Khi ta ý thức được mình đang đóng vai một nhà tâm lý trị liệu hay sứ giả tình thương của người kia nên ta sẽ không đòi hỏi người kia phải luôn tỉnh táo và khéo léo trong khi chia sẻ thì khả năng lắng nghe của ta sẽ rất sâu lắng và bền bỉ.

        Điều kiện thứ năm là ý thức. Ta phải thấy rõ tình trạng sức khỏe và tinh thần của ta trước khi ngồi xuống hay trong suốt quá trình lắng nghe. Nếu vì cả nễ thì có thể ta sẽ gây thêm nhiều lầm lỡ dù có thiện chí muốn giúp. Trường hợp cách nói của người kia quá cứng hay gay gắt, trong khi khả năng lắng nghe của ta còn yếu kém thì chắc chắn buổi lắng nghe ấy sẽ không thành công. Khi đó ta đừng nên tiếp tục, hãy xin lỗi người đang nói hôm nay ta không được khỏe, xin được tiếp tục lắng nghe vào lần khác hay khi nào an ổn trở lại. Ta đừng rơi vào thói quen lắng nghe bằng hình thức, như vậy đã không giúp được người kia mà còn tập dượt cho những hạt giống vô tình hay lãnh cảm trong ta phát triển.

        Ai trong chúng ta cũng cần một người để lắng nghe, nhưng ta lại không chịu lắng nghe người khác. Đó là thói quen của sự ích kỷ, là chất liệu độc hại luôn sẵn sàng hủy diệt tình thương. Nếu ta có tình thương với người nào thì ta phải có trách nhiệm lắng nghe khi người đó cần đến. Tất nhiên một buổi lắng nghe trọn vẹn thì phải có sự thực tập hay giúp đỡ của đôi bên. Một bên có khả năng lắng nghe và một bên phải có khả năng chia sẻ nữa. Thực tập nói năng cũng lắm công phu không thua kém gì nghệ thuật lắng nghe.

        “Này em, em có nghĩ là anh đã thực sự hiểu được em không, hãy nói cho anh biết là anh đã không hiểu được em về điều gì”. “Này con, bố rất thương con nhưng chắc chắn có những điều bố chưa hiểu được con, vậy con hãy giúp bố bằng cách nói cho bố biết phải làm sao để cho con được thoải mái và gần gũi bố hơn”… Đó là những câu nói ân tình, những chiếc chìa khóa để mở cửa trái tim người kia, ta còn chần chờ gì nữa mà không chịu nói ra. Hay ta muốn để cho người thương của ta phải đi tìm một người khác để chia sẻ, dù người đó không đủ thương yêu nhưng có thể lắng nghe được khi niềm đau nỗi khổ trong họ đang sắp tràn lấp ra ngoài? Ta sẽ dễ dàng đánh mất họ, bởi vì phần lớn ai cũng muốn sống với người hiểu mình hơn là chỉ có thương mà không hiểu. Thương mà không hiểu có khi là chỉ hại nhau mà thôi.

 ♥Minh Niệm

CẢM ƠN BẠN GHÉ THĂM BLOG. CHÚC BẠN NGÀY VUI VẺ và BÌNH AN! http://jennynguyen12.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét